Message :
Signature :
Background :
Share | 
 

 Về chu kỳ kiến tạo Indosini ở miền Bắc Việt Nam

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Tác giảThông điệp
luongthegiang

luongthegiang

Thành viên V.I.P

Tổng số bài gửi : 261
Điểm : 371
Được cảm ơn : 31
Ngày tham gia : 15/09/2010

Về chu kỳ kiến tạo Indosini ở miền Bắc Việt Nam Empty
Bài gửi Về chu kỳ kiến tạo Indosini ở miền Bắc Việt Nam EmptyVề chu kỳ kiến tạo Indosini ở miền Bắc Việt Nam   Về chu kỳ kiến tạo Indosini ở miền Bắc Việt Nam I_icon_minitimeMon Jun 20, 2011 6:28 pm Bài viết số 1

VỀ CHU KỲ KIẾN TẠO INĐOSINI Ở MIỀN BẮC VIỆT NAM

Tóm tắt: Chu kỳ Inđosini là chu kỳ kiến tạo đặc sắc không chỉ của Việt Nam, Đông Nam Á mà còn của thế giới. Vào giai đoạn này, trên lãnh thổ miền Bắc Việt Nam đã phân định các đới cấu trúc tuyến tính: Sông Đà, Sông Hiến, An Châu, Sầm Nưa - Hoành Sơn (trũng kiểu sinh rift không đầy đủ), trũng molas lục nguyên chứa than Quảng Ninh (bao gồm các địa hào Hòn Gai và Bảo Đài - Yên Tử) và hàng loạt các trũng giữa núi, chậu nhỏ chứa than khác. Chúng tạo nên bức tranh phối khảm của các khối nhô và các trũng chồng gối Mesozoi hình thành trong các pha kiến tạo kiểu mạch đập.

MỞ ĐẦU
Chu kỳ kiến tạo Inđosini được J. Fromaget xác lập trong các năm: 1929, 1934, 1937, 1941, 1952 trên cơ sở các tài liệu địa chất của Việt Nam và Đông Dương. Sau đó, các chuyên từ: chu kỳ Inđosini, uốn nếp Inđosini, tạo núi Inđosini, kiến sinh Inđosini, cấu trúc Inđosinit (hoặc đơn giản là Inđosinit), được sử dụng khá rộng rãi trong các văn liệu địa chất Việt Nam và thế giới. Trong các thập kỷ gần đây nhiều tài liệu mới về địa chất khu vực và các trào lưu mới trong địa kiến tạo (kiến tạo mảng, kiến tạo động …) đã làm thay đổi nhiều quan niệm, cách hiểu trước đây. Trong công trình này, bằng cách rà soát lại các tài liệu thực tế hiện có, tổng hợp các ý kiến khác nhau của các nhà nghiên cứu đi trước, chúng tôi xem xét lại quan niệm về chu kỳ Inđosini ở miền Bắc Việt Nam. Có thể nói rằng, chu kỳ Inđosini và các cấu trúc Inđosinit đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hình thành cấu trúc địa chất lãnh thổ Việt Nam.
I. CHU KỲ KIẾN TẠO
Việc định tuổi và đối sánh toàn cầu các chuyển động kiến tạo và các chu kỳ kiến tạo là một trong các hướng nghiên cứu quan trọng của các nhà địa chất và kiến tạo. Chu kỳ kiến tạo được xem là khoảng thời gian giữa hai pha kiến sinh. Nói rộng hơn, chu kỳ kiến tạo là khoảng thời gian nhất định của tiến trình tiến hoá vỏ Trái đất (sự lặp đi lặp lại của một chế độ kiến tạo, bối cảnh kiến tạo, bối cảnh địa động lực …).
M. Bertrand (1887, 1894) là người đầu tiên đưa ra các khái niệm chu kỳ kiến tạo Huroni, Caleđoni, Hercyni, Alpi. Tên gọi Huroni ngày nay hầu như không được dùng. Các nhà nghiên cứu sau này bổ sung nhiều chu kỳ kiến tạo khác: Belomori, Careli, Baicali, Inđosini, Kimmeri, Himalaya... Các chu kỳ kiến tạo (theo Bertrand) biểu thị sự mở và đóng các bể đại dương nhỏ (kiểu biển ven ...), các quá trình sụt lún - nâng hoặc địa máng - uốn nếp. Liên quan với chúng là các khái niệm: chu kỳ tạo núi, thời kỳ uốn nếp. Các khái niệm này ban đầu chỉ đề cập đến các pha uốn nếp thuần tuý địa phương. Sau đó, chúng được dùng phổ biến hơn và mang tính biểu hiện toàn cầu vào cùng một khoảng thời gian và thời đoạn. Chu kỳ kiến tạo là khoảng thời gian giữa hai pha kiến sinh và phân vùng kiến tạo nhiều khi được xây dựng chính trên cơ sở định vị các pha uốn nếp kết thúc (chủ yếu dựa vào sự có mặt các bất chỉnh hợp góc hoặc tuổi uốn nếp chính). Thực tiễn các nghiên cứu địa chất chỉ ra rằng các chu kỳ này không phổ biến cho toàn cầu, chúng không bắt đầu và kết thúc ở cùng một thời điểm trong các không gian khác nhau. Điều này phản ánh ngay ở các tài liệu thực tế và trên các khái niệm được dùng; ví dụ: Caleđoni sớm, Baicali muộn, Hercyni xuyên kỳ … hoặc các chuyên từ gần gũi với nhau: Baicali-Cađomi, Acxini, Braxin…; Hercyni-Varixi, Corđieri…; Inđosini - Đông Dương, Việt-Trung, Kimmeri sớm…; Yanshan (Nhạn Sơn) - Kimmeri muộn, Nevađa, Kolyma, Thái Bình Dương.
Năm 1966, J.T. Wilson đề xuất chu kỳ kiến tạo từ mở đến đóng kín đại dương (chu kỳ phát triển đại dương cổ) bắt đầu bằng rift hậu lục địa, dập vỡ lục địa - tách giãn đại dương - mở rộng đại dương, hình thành đại dương mới - đại dương trưởng thành - hút chìm, thu hẹp đại dương (cung đảo, hệ biển ven …) và kết thúc bằng va chạm, uốn nếp tạo núi hình thành vỏ lục địa. Trên thực tế, một chu kỳ đầy đủ như chu kỳ Wilson không phải có ở mọi nơi, mọi lúc. Chu kỳ Wilson phản ánh sự hình thành vỏ lục địa thay thế chỗ cho vỏ đại dương. Các khâu của quá trình này có thể dừng lại ở bất kỳ thời điểm nào của chu kỳ. Lúc này, tiêu chí để phân chia chu kỳ và các pha trong chu kỳ không chỉ dựa vào các bất chỉnh hợp, mà còn kết hợp với việc phân chia các phức hệ vật chất - kiến trúc (phức hệ thạch - địa động lực…). Ví dụ: đồng nhất các phức hệ ophiolit với vỏ đại dương hiện đại …
II. CHU KỲ INĐOSINI Ở MIỀN BẮC VIỆT NAM
J. Fromaget đã chọn bình đồ kiến trúc Đông Dương vào Trias (bình đồ Neotrias) làm bình đồ cơ sở để phân tích cấu trúc khu vực. Kiến sinh Inđosini, theo J. Fromaget, bắt đầu từ Antracolit giữa đến Carni gồm bốn pha uốn nếp. Bình đồ cấu trúc Paleozoi miền Bắc Việt Nam được cố kết vào Paleozoi sớm-giữa tạo nên bộ khung kiến trúc cơ bản của khu vực. Đến đây, về cơ bản đã hoàn thành vỏ lục địa thứ sinh với sự có mặt của phức hệ vật chất - kiến trúc sinh núi (sinh núi sau Caleđoni) và các biểu hiện của granitoiđ đồng va chạm (các phức hệ magma: Sông Chảy, Mường Lát, Trường Sơn, Đại Lộc …). Vào cuối đại Paleozoi, tại khu vực này thống trị chế độ kiến tạo kiểu nền - san bằng kiến tạo (lớp phủ nền với phức hệ vật chất - kiến trúc nội mảng kiểu nền trên lục địa - pha kiến tạo phân dị yếu với biểu hiện của tập carbonat dày, khá đồng nhất chứa vi cổ sinh). Kiến sinh Inđosini phát triển chính trên móng cấu trúc Paleozoit này. Kiến sinh Inđosini bắt đầu không cùng một lúc ở các khu vực khác nhau của miền Bắc Việt Nam.
Ở Tây Bắc Bộ, kiến sinh Inđosini có lẽ bắt đầu từ cuối Carbon muộn - Permi sớm với các biểu hiện của các thành tạo lục nguyên, lục nguyên - carbonat, xen kẹp phun trào mafic - trung tính (bazan, anđesitobazan, anđesit) (các hệ tầng Sông Đà, Yên Duyệt chứa than - pha sụt lún tách giãn đầu tiên). Trong Permi muộn - Trias muộn (trước Nori), các thành tạo lấp đầy đới cấu trúc Sông Đà bao gồm:
- Các đá phun trào mafic, mafic - axit, axit của các hệ tầng: Cẩm Thuỷ, Viên Nam (bazan olivin kiềm, trachybazan, picrobazan, ryotrachyt, ryolit, ryođacit…); các xâm nhập siêu mafic - mafic trong các phức hệ Bản Xang - Tạ Khoa, Ba Vì (periđotit, lerzolit, olivinit, đunit, gabro …). Các thành tạo magma này được xếp vào các tổ hợp núi lửa basantoiđ (picrit) - anđesit, ryolit; núi lửa basantoiđ cao titan, cao kiềm; núi lửa - pluton bazan - komatiit cao magnesi; núi lửa basantoiđ (trachybazan) - trachyanđesit - trachyđacit.
- Các thành tạo magma xâm nhập granitoiđ: phức hệ điorit - granitoiđ - granit Điện Biên Phủ, phức hệ granit Kim Bôi.
- Các thành tạo lục nguyên, lục nguyên - phun trào, lục nguyên - carbonat (các hệ tầng Cò Nòi, Nậm Thẳm, Nghĩa Lộ, Lai Châu, Sông Bôi, Mường Trai, Nậm Mu) …
- Thành tạo carbonat tướng biển nông đến sâu (các hệ tầng Đồng Giao, Pác Ma).
Quá trình uốn nếp - nghịch đảo khép kín đới cấu trúc xảy ra một cách mạnh mẽ vào Carni (các uốn nếp dạng tuyến hẹp, các vảy chờm nghịch, nhiều khi dốc đứng thể hiện rõ vào thời kỳ này).
Ở Đông Bắc Bộ, chu kỳ Inđosini bắt đầu từ Permi muộn và bao gồm các trầm tích lục nguyên - carbonat chứa bauxit (hệ tầng Đồng Đăng) và lục nguyên - carbonat (hệ tầng Bãi Cháy). Tiếp theo là sự xuất hiện các thành tạo:
- Trầm tích lục nguyên, lục nguyên - phun trào mafic-axit (bazan - ryolit), lục nguyên - carbonat tướng biển nông: các hệ tầng Lạng Sơn, Bắc Thuỷ, Sông Hiến, Lân Pảng, Khôn Làng, Yên Bình, Nà Khuất, Mẫu Sơn.
- Thành tạo carbonat biển nông (các hệ tầng Hồng Ngài, Điềm He).
- Các tổ hợp phun trào axit - xâm nhập: Tam Đảo - Núi Điệng (xâm nhập nông), Bình Liêu - Móng Cái.
- Thành tạo lerzolit, werlit, gabronorit, congađiabas, điabas, đolerit, granophyr (phức hệ Cao Bằng, các khối: Khau Mìa, Khắc Thiệu, Bó Nỉnh, Suối Củn, Bản Lũng …).
- Thành tạo periđotit bị serpentinit hoá (khối Bản Rịn).
- Thành tạo olivinit - troctolit - gabro phân dị (phức hệ Núi Chúa, các khối: Núi Chúa, Sơn Đầu, Khao Quế, Cổ Lãm …).
- Thành tạo granitoiđ tạo núi (phức hệ Phia Bioc, các khối: Tam Tao, Chợ Chu, Phia Bióc …).
Quá trình uốn nếp - nghịch đảo khép kín đới cấu trúc xảy ra một cách mạnh mẽ vào Carni được minh chứng bằng sự xuất hiện các thành tạo olivinit - troctolit - gabro phức hệ Núi Chúa, granitoiđ tạo núi phức hệ Phia Bioc.
Ở Bắc Trung Bộ, chu kỳ Inđosini xuất hiện muộn hơn vào Trias giữa. Các trầm tích lục nguyên, lục nguyên - carbonat tướng biển nông (đá vôi Hoàng Mai), lục nguyên - phun trào axit (các hệ tầng Đồng Trầu, Quy Lăng) với sự có mặt của tổ hợp núi lửa - pluton (phun trào axit - xâm nhập nông granit Đồng Trầu - Sông Mã).
Các thành tạo olivinit - troctolit - gabro phân dị (phức hệ Núi Chúa, các khối: Yên Chu, Tri Năng, Rú Gầm …) và granitoiđ tạo núi (phức hệ Phia Bioc, các khối: Núi Ông, Tuấn Thượng, Mường Xén, Nậm Kiền, Làng Bông, Sầm Sơn, Nậm Giải …) đánh dấu quá trình khép lại của võng Sầm Nưa - Hoành Sơn vào Carni.
Trong Nori - Ret, trên toàn lãnh thổ đã hình thành các cấu trúc dạng địa hào hẹp, trũng giữa núi, chậu nhỏ hoặc biển nông chứa các trầm tích lục nguyên - carbonat phân nhịp chứa than (các hệ tầng: Hòn Gai, Văn Lãng, Suối Bàng, Đồng Đỏ). Các trầm tích này có tướng biển và lục địa xen kẽ (bao gồm các tướng: biển nông, á lục địa, biển ven, vũng vịnh, đầm hồ …). Các trầm tích molas chứa than Nori - Ret phủ bất chỉnh hợp lên toàn bộ các cấu trúc Paleozoi muộn - Mesozoi (Sông Đà, Sông Hiến, An Châu, Sầm Nưa - Hoành Sơn) và móng Paleozoit lân cận. Giai đoạn Trias muộn - Jura sớm (T3n-r - J1) có gián đoạn trầm tích cục bộ và là giai đoạn phi magma trên toàn lãnh thổ.
Sau một gián đoạn ngắn vào Jura sớm (ở Sầm Nưa - Hoành Sơn, Sông Đà) sự có mặt các thành tạo lục địa vụn thô màu đỏ (các hệ tầng Hà Cối, Động Trúc, Nậm Pô), lục nguyên - phun trào axit (hệ tầng Tam Lung: ryolit - đacit porphyr), các tổ hợp phun trào axit - xâm nhập Mường Hinh - Bản Muồng (ở Sầm Nưa - Hoành Sơn), Văn Chấn - Phu Sa Phìn và phức hệ Nậm Chiến (ở Tây Bắc Bộ) đánh dấu sự kết thúc của kiến sinh Inđosini bằng sự hình thành vỏ lục địa trưởng thành (lớp phủ nền). Các thành tạo kể trên là các thành tạo có nguồn gốc vỏ.
Giai đoạn từ Creta giữa-muộn trở về sau được xem là giai đoạn hậu va chạm nội lục.
Qua các điểm đã trình bày trên có thể thấy rằng:
1. Nếu xem một chu kỳ kiến tạo kết thúc bằng pha uốn nếp kết thúc (uốn nếp chính, theo Bertrand) thì chu kỳ Inđosini kết thúc ở cuối Carni. Điều này đã được nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến. Nếu xem một chu kỳ kiến tạo kết thúc bằng sự cố kết hình thành vỏ lục địa hoàn chỉnh (theo Wilson) thì chu kỳ Inđosini ở miền Bắc Việt Nam kết thúc vào Creta sớm-giữa. Chúng tôi theo quan điểm thứ hai, xem chu kỳ Inđosini kết thúc vào Creta sớm-giữa.
2. Một số đặc điểm biểu hiện của chu kỳ Inđosini ở miền Bắc Việt Nam - Chu kỳ Inđosini không bắt đầu xảy ra cùng một lúc trên các khu vực khác nhau của miền Bắc Việt Nam, song cùng đạt cực đại vào Anisi, Lađin (Trias giữa) và đặc trưng bằng các hoạt động uốn nếp, nghịch đảo mạnh mẽ vào cuối Carni.
- Chu kỳ Inđosini so với các chu kỳ khác (Caleđoni …) ở miền Bắc Việt Nam là chu kỳ không đầy đủ, không có các biểu hiện rõ ràng của giai đoạn đại dương và chuyển tiếp. Đặc điểm này đã được nhiều nhà nghiên cứu đề cập. Sự tách giãn, sụt lún các cấu trúc Inđôsinit tuy chưa chuyển sang giai đoạn đại dương* (vỏ đại dương chưa hình thành) song đã đạt tới manti thượng; bằng chứng là sự có mặt của các xâm nhập siêu mafic - mafic: các phức hệ Bản Xang - Tạ Khoa, Núi Chúa, Cao Bằng, Bản Rịn. Tương tự như vậy, chu kỳ Hercyni ở miền Bắc Việt Nam, Đông Dương và Trung Quốc cũng là một chu kỳ không đầy đủ (vắng mặt các hoạt động cố kết cuối cùng).
¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯
* Một số công trình đã đề cập đến sự tồn tại của Paleo-Tethys có vỏ đại dương ở Việt Nam trong giai đoạn Permi (BBT). Để lý giải tình hình tài liệu thực tế này, một số nhà nghiên cứu đề xuất chu kỳ Hercyni kéo dài sang Trias (tính xuyên kỳ, đa kỳ, tính phát triển kéo dài của chu kỳ Hercyni, xem Inđosini là giai đoạn muộn của Hercyni) và sau đó là hoạt hoá kiến tạo - magma Mesozoi muộn. Chúng tôi thiên về ý kiến xem chu kỳ Inđosini là một chu kỳ độc lập, rất đặc trưng cho Việt Nam, Đông Nam Á và đai hành tinh Tây Thái Bình Dương nói chung. Hiện nay, còn thiếu các thông tin về quá trình biến chất trong Trias và Jura trên lãnh thổ Việt Nam, nên các hiểu biết về chu kỳ Inđosini còn chưa đầy đủ. Chu kỳ Inđosini diễn ra vào giai đoạn mà ở quy mô toàn cầu chính là giai đoạn có nhiều biến cố địa chất lớn: dập vỡ đại lục Pangea II, khép kín đại dương Paleozoi (Paleo-Tethys), mở ra các đại dương mới (Meso-Tethys), sự thay đổi đột ngột tiến trình phát triển thế giới sinh vật vào ranh giới Permi-Trias...
- Ở bậc cao hơn, trong các đới cấu trúc Inđôsinit miền Bắc Việt Nam phổ biến các cấu trúc dạng tuyến hẹp, không liên tục, nhiều gián đoạn cục bộ, các cấu tạo vảy phủ chờm, các đới tách giãn dạng cánh gà, các uốn nếp ngắn, cụt, đoản, đôi khi dốc đứng.
- Các biểu hiện của hoạt động magma granitoiđ khá phổ biến và phong phú vào giai đoạn Inđosini với sự biểu hiện của các phức hệ: Điện Biên Phủ, Núi Điệng, Sông Mã, Móng Cái, Kim Bôi, Phia Bióc, Bản Muồng.
KẾT LUẬN
Giai đoạn Paleozoi muộn - Mesozoi là một trong những giai đoạn đặc biệt trong tiến trình lịch sử địa chất của Việt Nam. Chu kỳ Inđosini vào thời kỳ này là chu kỳ kiến tạo đặc sắc không chỉ của Việt Nam, Đông Nam Á¸ mà còn của thế giới. Trên nền cấu trúc bình ổn vào cuối Paleozoi của miền Bắc Việt Nam, chu kỳ Inđosini bắt đầu bằng nứt tách, sụt lún, sau đó nhanh chóng chuyển sang nén ép, nâng nghịch đảo mạnh, khép kín các đới cấu trúc. Sau sụt lún cục bộ tạo các địa hào, trũng giữa núi, chậu chứa than, toàn miền bước vào giai đoạn tạo núi muộn, hoàn chỉnh vỏ lục địa với sự có mặt của các thành tạo nguồn gốc vỏ.
Vào giai đoạn này, đã phân định các đới cấu trúc tuyến tính: Sông Đà, Sông Hiến, An Châu, Sầm Nưa - Hoành Sơn (trũng kiểu sinh rift không đầy đủ), trũng molas lục nguyên chứa than Quảng Ninh (bao gồm các địa hào Hòn Gai và Bảo Đài - Yên Tử) và hàng loạt các trũng, chậu nhỏ chứa than khác (Bố Hạ, Chũ, Làng Cẩm, Phấn Mễ, Lục Rã, Quỳnh Nhai, Than Uyên, Đầm Đùn, Đồng Đỏ ...). Chúng tạo nên bức tranh phối khảm của các khối nhô và các trũng chồng gối Mesozoi hình thành trong các pha kiến tạo kiểu mạch đập (có sự luân phiên giữa các chế độ nén ép và tách giãn, sự xen kẽ các cấu trúc âm và các cấu trúc dương). Một số tác giả xem đây là giai đoạn hoạt hóa magma - kiến tạo của lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt phong phú và đa dạng về mặt khoáng sản.
VĂN LIỆU
1. Belov A.A., Iu.G. Gatinsky, A.A. Mossakovsky, 1985. Các Inđosinit Âu - Á. Địa kiến tạo, (tiếng Nga).
2. Cong Bolin, Wu Genyao, Zhang Qi, Zhang Ruyun, Zhai Ming guo, Zhao Dasheng, Zhang Wenhua, 2001. Sự tiến hoá thạch kiến tạo của Paleo-Tethys ở Tây Nam Trung Quốc. TC Địa chất- Hà Nội.
3. Đào Đình Thục, Huỳng Trung (Đồng chủ biên), 1995. Địa chất Việt Nam. Tập 2: Các thành tạo magma. Cục Địa chất Việt Nam. Hà Nội.
4. Gatinsky Iu. G., 1986. Phân tích ngang thành hệ - cấu trúc. Nxb Nedra, Moskva, (tiếng Nga).
5. Hoàng Cấp Thanh, 1961. Các đặc điểm chính của lịch sử phát triển kiến tạo Trung Quốc. Địa chất Xô Viết, (tiếng Nga).
6. Ilin A.V., 1986. Về kiến tạo Nam Trung Quốc. Địa kiến tạo, (tiếng Nga).
7. Khain, V.E., 1992. Các chu kỳ Wilson và Bertrand. Báo cáo Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. (tiếng Nga).
8. Khain V.E., 2000. Tính chu kỳ quy mô lớn trong lịch sử kiến tạo Trái đất và các nguyên nhân có thể của nó. Địa kiến tạo, (tiếng Nga).
9. Kiến tạo miền Bắc Việt Nam và các miền kế cận. Tuyển tập Nxb KH&KT, Hà Nội, 1971.
10. Lê Duy Bách, 1986. Về lịch sử của sự hình thành và tiến hoá các quan điểm về kiến tạo Đông Dương. Tuyển tập “Địa chất Campuchia - Lào - Việt Nam”. Nxb KH & KT, Hà Nội,
11. Lê Như Lai, 1998. Địa kiến tạo và sinh khoáng. Nxb Giao thông Vận tải, Hà Nội, .
12. Lê Như Lai, 1998. Những đóng góp quan trọng của J. Fromaget đối với địa chất Đông Dương. Hội nghị khoa học Đại học Mỏ - Địa chất lần thứ 13, Báo cáo khoa học. Hà Nội.
13. Nguyễn Đình Cát, 1975. Điểm qua các sơ đồ kiến tạo Việt Nam và Đông Dương. TC Địa chất. Hà Nội.
14. Nguyễn Hoàng, Nguyễn Đắc Lư, Nguyễn Văn Can, 2004. Đá phun trào Paleozoi Sông Đà: nguồn gốc và động lực manti. TC Địa chất. Hà Nội.
15. Nguyễn Nghiêm Minh, Tạ Trọng Thắng, Nguyễn Thị Diên, Tôn Thất Việt, Nguyễn Đức Quang, 1986. Về mối liên quan trong quá trình hình thành võng nguồn gốc rift Sông Hiến với võng chồng An Châu về đặc điểm khoáng hóa liên quan ở Đông Bắc Bắc Bộ. TC Các khoa học về Trái đất, Hà Nội.
16. Nguyễn Văn Bình, 2003. Đặc điểm quặng hóa nội sinh Mesozoi ở khu vực Bắc Bộ Việt Nam. TC Khoa học Kỹ thuật Mỏ - Địa chất, Hà Nội.
17. Nguyễn Xuân Tùng, 1972. Về sự hồi sinh magma - kiến tạo của các cấu trúc Paleozoi miền Bắc Việt Nam. TC Địa chất, Hà Nội.
18. Nguyễn Xuân Tùng, Trần Văn Trị (Đồng chủ biên), 1992. Thành hệ địa chất và địa động lực Việt Nam. Nxb Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.
19. Phan Trường Thị, Lê Văn Cự, Đỗ Đình Toát, Phan Văn Quýnh, 1974. Địa tầng và thạch học các đá núi lửa vùng Hoà Bình - Suối Rút. TC Địa chất. Hà Nội.
20. Polyakov G.V., P.A. Balykin, Trần Trọng Hoà, Hoàng Hữu Thành, Ngô Thị Phượng, Trần Quốc Hùng, Bùi Ấn Niên, Vũ Văn Vấn, Hoàng Việt Hằng, Trần Tuấn Anh. Điều kiện địa động lực, đặc điểm phát sinh và thành tạo các tổ hợp mafic, siêu mafic Permi-Trias miền Bắc Việt Nam. TC Các khoa học về Trái đất. Hà Nội.
21. Tạ Trọng Thắng, 1986. Đặc điểm kiến tạo Mesozoi phần phía bắc lãnh thổ Việt Nam. Tóm tắt Luận án PTS. Thư viện Quốc gia, Hà Nội.
22. Trần Trọng Hoà, 2001. Phân chia và đối sánh các tổ hợp đá bazantoid Permi - Trias đới Sông Đà. TC Địa chất. Hà Nội.
23. Trần Văn Trị (Chủ biên), 1977. Địa chất Việt Nam - Phần miền Bắc. Nxb Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.
24. Trần Văn Trị (Chủ biên), 2000. Tài nguyên khoáng sản Việt Nam. Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Hà Nội.
25. Vũ Khúc, Bùi Phú Mỹ (Đồng chủ biên), 1989. Địa chất Việt Nam, Tập 1: Địa tầng. Tổng cục Mỏ và Địa chất. Hà Nội.
Về Đầu Trang Go down
 

Về chu kỳ kiến tạo Indosini ở miền Bắc Việt Nam

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 

 Xem thêm các bài viết khác cùng chuyên mục

-
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
diachatthuyvan.net™ :: THẢO LUẬN ĐỊA CHẤT - KHOÁNG SẢN VÀ MÔI TRƯỜNG :: Lĩnh vực địa chất - khoáng sản-
Chuyển đến 
Powered by: phpBB2
Copyright ©2010 - 2015, GNU General Public License.
Skin vBulletin 4.0 Rip By Ligerv
Múi giờ hiện tại GMT. Hôm nay: Fri Apr 19, 2024 3:58 pm.
Liên hệ: diachatthuyvan.com@gmail.com | Hiển thị tốt nhất trên trình duyệt Firefox và độ phân giải 1024x768 trở lên.

Website liên hệ-Trung tâm thông tin lưu trữ địa chất - Cục địa chất Việt NamCục quản lý tài nguyên nướcHội ĐCTV VNTrường ĐH Mỏ - Địa chất Hà NộiHợp tác đào tạo nước ngoài ĐH Mỏ - Địa chất Hà NộiKhoa địa chất và dầu khí ĐH Bách Khoa Tp HCMDiễn đàn diachatvietnam.netLiên đoàn QH và ĐT TNN miền NamCông ty Cổ Phần Phát triển bền vững Việt NamCông ty Cổ phần TV ĐT PT CNMT Việt NamCông ty Cổ phần Địa kỹ thuật Đông DươngCông ty VietDeltaCông ty tài nguyên và môi trườngDiễn đàn lớp địa chất B K55Diễn đàn tình thương
Chat ( )
Free forum | Khoa học | Giáo dục, giảng dạy | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất